Một trong những giá trị cốt lõi nhất của tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là tư tưởng dân chủ. Không chỉ làm rõ bản chất, vai trò của dân chủ, quan trọng hơn, Người đã đề ra cách thức thực hành xuất sắc trong quá trình tạo lập, củng cố và phát huy vai trò của nền dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh: Tư liệu |
Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm đúng đắn của Người về quần chúng nhân dân. Người đã nhìn thấy rõ sức mạnh của dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không xong, dân là gốc của nước, của cách mạng”.
Hồ Chí Minh cho rằng, “từ dân là chủ đến dân làm chủ là một quá trình”, nên Người xác định rõ những ưu tiên cần thiết nhằm từng bước hiện thực hóa chế độ dân chủ. Bởi vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Hồ Chí Minh đã đề nghị xác lập nền tảng dân chủ và pháp quyền cho chế độ Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, đó là tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng hiến pháp dân chủ.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Đó là một mốc son đánh dấu sự xác lập chính thể dân chủ, nhà nước pháp quyền của Việt Nam.
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là một nhà nước kiểu mới, rộng hơn đó còn là chế độ chính trị mới mà hình thức biểu hiện là hệ thống thiết chế chính trị, vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Vì thế, ưu tiên hàng đầu của Người là xây dựng đảng để Đảng ta thực sự là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị; mỗi đảng viên của Đảng là người đày tớ trung thành của nhân dân. Cùng với đó, Người thường xuyên quan tâm củng cố, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng khác; tạo điều kiện để nhân dân có thể trực tiếp tham gia vào công việc của Nhà nước, tham gia những vấn đề quốc kế dân sinh.
Trên cơ sở nhận thức đầy đủ những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là những tư tưởng, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chế độ dân chủ, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng ta đã xác định việc xây dựng chế độ dân chủ là một thành tố trong mô hình xã hội mới – xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt từ đổi mới đến nay, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm: “Lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, “Mọi chủ trương chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”. Đúc kết kinh nghiệm trong thời kỳ đổi mới, một trong 5 bài học lớn được Đảng chỉ ra là: “Trong mọi công việc của Đảng, của Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].
Tiếp nối thành công của Đại hội XIII của Đảng, ngày 23-5-2021 tới đây, cử tri cả nước sẽ tiến hành bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là một phương thức thực hành dân chủ trực tiếp để bầu lên các đại diện ưu tú của cả nước, của từng địa phương tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp; là cách thức để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần lựa chọn, ủy quyền, trao quyền cho những người xứng đáng đảm nhận trọng trách trong các cơ quan quyền lực đại diện ở từng địa phương và trong cả nước; cũng là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện quyền chính trị trực tiếp. Thành công của cuộc bầu cử không chỉ phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị mà quyết định chính là sự tham gia đầy đủ và cách thức thể hiện quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân. Mỗi công dân cần thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ qua việc quan tâm nghiên cứu kỹ càng, tìm hiểu kỹ danh sách, quá trình hoạt động của các ứng viên; cân nhắc kỹ càng khi quyết định bỏ lá phiếu để trao quyền, ủy quyền cho những người đủ tài, đủ đức, xứng đáng là người đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp.
PGS.TS HỒ TẤN SÁNG
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII, tập I. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, HN, 2021, tr 96-97.