Tiếng ô-tô đỗ xịch trước nhà, tiếng người nói lao xao, gấp rút, tiếng những hàng rào sắt kéo loẹt xoẹt dưới đường nhựa làm cho cả khu phố đang yên giấc trưa cuối tuần bỗng thức giấc. Một người, rồi vài người trong khu phố tò mò hé cửa nhìn ra đường, ngơ ngác hỏi: “Có chuyện chi rứa?”. Không ai trả lời, tất cả nhìn nhau lo lắng. Bỗng một chiếc xe cứu thương trờ tới, lực lượng chức năng nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ màu xanh bước xuống, tiến vội đến ngôi nhà nằm ngay giữa khu phố. Tiếng ai đó thốt lên: “Thôi rồi, dính Covid-19…”.
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập nghe bà con!”, tiếng một người trong nhóm làm nhiệm vụ từ tốn, nhưng cương quyết hướng về đám đông trong khu phố đang tụ tập, quan sát… Thế là cả khu phố bắt đầu những ngày cách ly. Tổ dân phố số 12, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà có hơn 30 hộ dân. Nhà đầu tiên về “khai thiên lập địa” ở đây đã tròn 20 năm, nhà mới nhất ở cũng trên dưới chục năm.
Chỉ có điều lạ là chung sống lâu như vậy mà chẳng mấy khi hàng xóm, láng giềng trò chuyện, thi thoảng gặp nhau trong khu phố, gật đầu cười một cái, rồi ai việc nấy. Ngày trước là vậy, những năm gần đây, khi kinh tế khá lên, nhiều nhà trong xóm sắm ô-tô đi lại khiến việc đơn giản là gặp nhau gật đầu chào cũng không thể, bởi ai cũng đi về bằng chiếc ô-tô kín cửa.
Hãy cảm nhận những giá trị từ gia đình
Ở khu phố nhỏ này, ai cũng vậy, từ người lớn đến trẻ em, không rõ bận chuyện gì mà cứ tất bật, vội vàng suốt năm này qua năm khác, kể cả ngày Tết, ngày lễ. Khi dịch ập đến, cả khu phố phải cách ly với bên ngoài, tù túng, gò bó, công việc tạm ngưng, ấy vậy mà lại hay. Mọi người cùng sống chậm lại, cơ hội gật đầu chào nhau bỗng nhiều hơn. Không biết tự bao lâu, khu phố này mới có những buổi sáng mọi gia đình mang ghế ra trước sân, nhâm nhi cà-phê, hóng mát và trò chuyện với hàng xóm ở bên kia đường.
Và cũng không rõ từ bao lâu rồi, những bữa cơm của mỗi gia đình ở khu phố này lại đủ đầy thành viên như vậy. Mà không chỉ một bữa “may mắn” mà tận đến 3 bữa mỗi ngày, đều đặn như bữa cơm của ông bà, cha mẹ ngày xưa. Người trẻ trong khu phố thì bất ngờ tuyên bố “cơm nhà ngon rứa mà lâu ni không biết”. Còn người lớn thì vui ra mặt, bởi có mấy khi cả gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau như vậy.
Hãy tỉnh táo và sống chậm lại
Mỗi sáng thức dậy, đọc thông tin dịch tễ trong ngày của những người trẻ dương tính với virus SARS-CoV-2 mà giật mình. Vì trong lịch trình dày đặc đó, rất ít bạn trẻ cuối ngày trở về nhà và ăn cơm tối cùng gia đình. Tự bao giờ người ta bận rộn đến vậy, bận đến nỗi bữa cơm gia đình bị “gạch tên” ra khỏi danh sách việc phải làm trong ngày?
Người ta hay nói, giới trẻ bây giờ sống nhanh. Cứ như nước lũ giục phía sau, vội vàng cho công việc và đủ mối bận tâm khác của cuộc sống hiện đại. Chỉ có điều, thời gian dành cho chính mình, cho người thân, cho bạn bè, hàng xóm cứ ít đi. Xung đột gia đình phát sinh từ đó, người thân cứ dần xa, các mối quan hệ “đóng băng”…
Ấy vậy mà có mấy người đủ tỉnh táo sống chậm lại, một ít thôi, chỉ là cố gắng dành thời gian cho bữa cơm tối cùng gia đình, chí ít mỗi tuần cũng được vài lần; bớt ít thời gian để thăm người thân đau ốm, đến dự đám giỗ trong họ hàng. Và cũng ít thôi, dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Đơn giản chỉ là cùng con tập thể dục, cùng vợ/chồng đi dạo trong khu phố mỗi tối… Và nếu gặp người trong khu phố thì dành ít thời gian gật đầu chào nhau cùng vài câu thăm hỏi chân thành. Thế nhưng, có mấy ai trong số chúng ta, khi dịch Covid-19 này qua đi, dám thay đổi một ít để sống chậm lại một ít? Thật khó có câu trả lời!