Bằng cách truyền tải sinh động, gần gũi, các thành viên Dự án văn hóa đọc (thuộc Công ty TNHH Giáo dục Giác ngộ) đã để lại ấn tượng sâu sắc, khơi gợi sự tò mò, niềm say mê đọc sách cho giáo viên, học sinh một số trường trên địa bàn quận Hải Châu.
Mở trang sách – Mở tương lai
“Mở trang sách – Mở tương lai” là tên chương trình mà Dự án văn hóa đọc (gọi tắt là dự án) tổ chức tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu và Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu). Chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng những hoạt động bổ ích và sự nhiệt huyết của thành viên dự án, chương trình để lại ấn tượng sâu sắc đối với giáo viên và học sinh các trường.
Trong “Giờ đọc hạnh phúc”, học sinh được tham gia những trò chơi nhỏ tạo sợi dây liên kết với các nhân vật trong sách nhằm khơi gợi sự tò mò, ấn tượng và giúp các em dễ ghi nhớ. Đầu tiên, học sinh được mời lên bục, đưa tay vào túi và hình dung đồ vật đang chạm là gì rồi diễn tả để các học sinh khác phán đoán. Sau đó, thành viên dự án kể về các nhân vật có giai thoại liên quan đến đồ vật ấy. Xen giữa những câu chuyện, học sinh được yêu cầu đọc sách một cách tĩnh lặng trong 5 phút, giữa tiếng nhạc êm dịu.
Bên cạnh đó, các em còn được ca hát, xem video bổ ích về giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống. Từ đó, mỗi em có thể tự cảm nhận, đúc kết được nguyên nhân, kết quả của câu chuyện để có cách ứng xử phù hợp nếu gặp trong thực tế. Em Nguyễn Thành Nghĩa (học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu) hào hứng bày tỏ: “Các trò chơi trong giờ đọc rất vui, bổ ích. Chúng em rất bất ngờ khi những đồ vật bình thường như quả ớt lại liên quan đến Lý Công Uẩn, cái sọt tre kể chuyện Phạm Ngũ Lão, quả trứng nhắc nhớ đến danh họa Leonardo Da Vinci… Từ nay em sẽ chăm đọc sách hơn để mở mang kiến thức”.
Đạo đức, nghị lực và trí tuệ
Đạo đức, nghị lực và trí tuệ là ba điều mà các thành viên dự án văn hóa đọc muốn truyền tải, trang bị cho học sinh khi đọc sách. Chị Trần Thị Thu Tuyết (thành viên nhóm) cho biết, ước mơ lớn nhất của các thành viên dự án là thói quen đọc sách có thể thấm sâu vào từng học sinh, gia đình và nhà trường.
Theo chị Tuyết, phần lớn học sinh đều yêu thích sách, vấn đề là làm sao để khơi gợi và nhân lên sự say mê đó mỗi ngày. Hiện nay, nhiều tổ chức từ thiện đến tặng sách cho thiếu nhi nhưng đa phần không có các hoạt động giúp các em có sự hứng thú với sách. Vì vậy, thông qua các hoạt động giao lưu, chia sẻ tại các trường, dự án hy vọng có thể truyền cảm hứng, sự nhiệt huyết và góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến toàn cộng đồng.
Đặc biệt, các thành viên dự án còn dành một buổi chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo ngôi trường hạnh phúc đến giáo viên nhà trường bằng hình thức sinh động như vẽ tranh, xếp sách. Quan điểm của buổi thảo luận là “thầy cô hạnh phúc sẽ tạo ra học trò hạnh phúc”.
Theo bà Trần Thị Mỹ Dung, Quản lý dự án, giáo viên chính là chủ thể quan trọng để tương tác, khơi gợi niềm say mê đọc sách cho học sinh mỗi ngày và là những người sẽ kiến tạo tiết học hạnh phúc. Do đó, mỗi giáo viên cần đổi mới tư duy, tăng cường tương tác với các em nhiều hơn thì mới có thể tạo ra sự hứng khởi trong mắt học sinh.
“Kết thúc buổi giao lưu, chúng tôi giữ kết nối với nhà trường để tiếp tục hướng dẫn thầy cô thực hiện mô hình ngôi trường hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện thêm các buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến với thầy cô các trường để tiếp tục hỗ trợ, truyền cảm hứng, giúp phong trào đọc sách ngày càng lan tỏa”, bà Mỹ Dung thông tin.
Đánh giá hoạt động trong khuôn khổ dự án
Đánh giá cao những hoạt động trong khuôn khổ dự án, bà Lương Mỹ Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đằng cho biết, thông qua chương trình, các thành viên đã truyền đi những giá trị về tinh thần đáng quý cho học sinh và cả thầy cô. Hầu hết các trường đều triển khai tiết đọc thư viện và phương pháp kiến tạo hạnh phúc theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, từng trường có đặc thù riêng nên cách triển khai, hiệu quả thực hiện cũng có sự khác biệt.
Đối với Trường Tiểu học Bạch Đằng, dự án đã chỉ ra những lợi thế mà trường cần khai thác triệt để, cách khắc phục những hạn chế để phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Đặc biệt, chương trình còn giúp thầy cô của trường có phương pháp lồng ghép các giá trị đạo đức, nghị lực trong mỗi tiết học. Các giáo viên sẽ hiểu thêm rằng, đứng trên bục giảng không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ truyền tải kiến thức mà truyền cảm hứng đọc, học, sáng tạo cho các thế hệ học sinh. Từ đó đưa các giờ học khô cứng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
“Với những đầu sách hay, mới mà dự án tặng cho nhà trường, chắc chắn trong thời gian tới, các em học sinh sẽ đến thư viện của trường để tìm đọc sách nhiều hơn”, bà Huệ khẳng định.