15.043 lao động làm việc tại các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố đang tạo nên sức mạnh liên minh, gắn kết, đồng hành cùng phát triển.
Một số sản phẩm nông sản sạch của các hợp tác xã ở Đà Nẵng đã có mặt tại hệ thống siêu thị. (Ảnh chụp tại Siêu thị Danamart) Ảnh: T.Y |
Thời gian qua, không ít HTX ở Đà Nẵng hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị, tăng cường liên kết mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bà Phan Võ Hạnh Thủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng khẳng định liên kết giữa các HTX đã tạo được cầu nối hỗ trợ nhau cùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX cung cấp các dịch vụ con/cây giống, phân bón, nguyên liệu thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản, nhờ đó cắt giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tạo thương hiệu, thế mạnh trên thị trường
Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh – Dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh (viết tắt HTX Kim Thanh) nhẩm tính mỗi ngày HTX sản xuất khoảng 180kg nấm thương phẩm, chưa kể sản phẩm nấm chế biến như nấm rim ăn liền, nấm muối, nấm khô, mứt nấm và nấm dược liệu Linh Chi.
Những ngày này, ông Mười cùng hàng chục công nhân vẫn cần mẫn ươm trồng, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch.
Ông bảo, thành quả hơn 10 năm lao động, cống hiến, 14 xã viên – tại thời điểm bắt đầu thành lập HTX, với số vốn vỏn vẹn 17 triệu đồng – ông và những người bạn đồng hành đã bao đêm thức trắng, theo dõi từng chồi nấm nảy mầm. Những cuốn sổ chi chít công thức nguyên liệu, tỷ lệ đất, mùn cưa, điều chỉnh nhiệt độ; những cuộc họp lúc sáng sớm, khi đêm muộn, lúc đủ thành viên, lúc vỏn vẹn vài ba người để linh động giải quyết các tình huống phát sinh.
“Việc liên kết giữa các hợp tác xã sẽ tạo được cầu nối hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị thương phẩm, khắc phục tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá” Bà Phan Võ Hạnh Thủy, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Đà Nẵng |
Nhờ những thành công ban đầu, HTX Kim Thanh mạnh dạn đầu tư diện tích sản xuất, từ 120m2 lên 8.660m2, xây dựng mô hình hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ động kế hoạch điều phối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, với sự tham gia của 38 thành viên.
Theo ông Mười, để bảo đảm đời sống kinh tế bà con xã viên, HTX không dừng lại ở việc sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến các sản phẩm từ nấm, mà đầu tư trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh và sản xuất các sản phẩm khác từ gỗ, tre nứa, rơm rạ…
Năm 2016, HTX Kim Thanh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn xây dựng thương hiệu nấm Linh Chi Đà Nẵng. Cùng với đòn bẩy này, HTX tập trung sản xuất nấm Linh Chi theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư thiết kế, in ấn mẫu mã bao bì, logo sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, HTX bắt tay liên kết bà con nông dân các xã Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) trồng các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm Linh Chi. Với công nghệ ủ sấy nấm khô, chế biến nấm thành thức ăn sẵn, HTX Kim Thành đã “sống khỏe” sau hơn 1 năm ảnh hưởng Covid-19.
Ông Mười kể, ngày mới thành lập HTX, nấm tươi chỉ bán được giá vào những ngày rằm, mồng 1, còn lại chật vật đầu ra. Mặt khác, sản phẩm nấm sấy khô tiêu thụ chậm, người dân không mặn mà. Sau nhiều lần rớt nước mắt nhìn những bịch nấm mốc meo vì không thể tiêu thụ, ông Mười cùng các xã viên nảy ra ý định sơ chế nấm thành những món ăn sẵn như mứt nấm, nấm rim, nấm trộn, nước mắm nấm, nấm rơm hấp ăn liền…
Ông Mười nhớ lại, để tạo nên sản phẩm vừa ý, bảo đảm chất lượng, vệ sinh, HTX đã giao nhiệm vụ cho những người phụ nữ trong đơn vị tìm kiếm công thức, xây dựng quy trình chế biến nấm. “Điều quan trọng là sản phẩm vừa ăn, giữ được độ dai, ẩm và ức chế nấm mốc trong thời gian bảo quản, tiện dụng cho người ăn chay, giá thành vừa phải (50.000 đồng/hộp) nên được người tiêu dùng đón nhận”, ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, sự liên kết này đã tạo nên chuỗi giá trị khép kín, từ cung cấp giống, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua và chế biến sản phẩm, tăng doanh thu mỗi năm từ 10-15%. Hiện sản phẩm rau, nấm của HTX Kim Thành có mặt tại các siêu thị Co.op Mart, Vita Mart, Green Tech Food, An Phú Farm, 4U Farm và nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố.
Ổn định cuộc sống người nông dân
Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển HTX là hướng đi bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân. HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (viết tắt HTX Hòa Tiến 1) sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp đã tạo kinh tế ổn định cho 1.385 hộ thành viên (2.860 lao động). Tính đến thời điểm hiện tại, đây là HTX có hoạt động dịch vụ, sản xuất nông nghiệp lớn nhất huyện Hòa Vang, với tổng diện tích đất tự nhiên 536ha, trong đó có 335ha đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX Hòa Tiến 1 cho biết, trong vai trò “bà đỡ”, HTX đã đồng hành với mỗi xã viên trong quá trình sản xuất, kinh doanh; trong đó tập trung nâng cao chất lượng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giải phóng sức lao động. Ngoài ra, một trong những hướng phát triển bền vững của HTX Hòa Tiến 1 là tự cung tự cấp nguồn lúa giống chất lượng: giống lúa trung ngắn ngày Hà Phát 3.
Theo ông Thảo, giống lúa này cho năng suất cao, gạo thơm ngon, phù hợp với thời tiết 2 vụ mùa chính trong năm, cung cấp đủ cho tất cả hội viên HTX. Từ năm 2019, HTX đã tổ chức cho xã viên sản xuất vùng rau chuyên canh với quy mô 13,7ha, bước đầu giúp người dân tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, xây dựng thương hiệu giống lúa, bắp lai Hòa Tiến và rau an toàn Hòa Tiến 1.
Một trong những thuận lợi của HTX Hòa Tiến 1, theo ông Nguyễn Thảo, là những cánh đồng mẫu lớn của đơn vị nằm dọc tuyến đường ĐT 605, ĐH 409, bảo đảm các yếu tố giao thông, công trình thủy lợi. Ngoài ra, HTX tập trung phát triển hệ thống giao thông nội đồng, xây dựng công trình nhà kho, sân phơi, 5 lò sấy lúa giống 40 tấn/ngày, xưởng sửa chữa cơ khí và nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ việc gieo cấy, thu hoạch. Ở thời điểm nông nhàn, HTX liên kết với Công ty Sản xuất lưới Sadavi, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng.
Nhờ mô hình hợp tác xã, nhiều nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. TRONG ẢNH: Người dân trồng cây sả cung cấp cho Hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Nam Sơn ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. (Ảnh chụp tháng 4-2021) Ảnh: T.Y |
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng Phan Võ Hạnh Thủy khẳng định, nhiều HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt vai trò tiên phong trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa tiêu chí 13 về tổ chức các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Bà Phan Võ Hạnh Thủy đơn cử, HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Phước (viết tắt là HTX Hòa Phước) đang tận dụng lợi thế đất phù sa bên bờ sông Tứ Câu, sông Quá Giáng để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo phương pháp hữu cơ và một số cây trồng ngắn ngày như mè, lạc, rau màu, hoa cảnh Nhơn Thọ, tăng thu nhập cho người dân, từ 50 triệu đồng lên 80-100 triệu đồng/ha.
Nói về cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ rộng 30ha tại hai thôn Tân Hạnh và Trà Kiểm, ông Nguyễn Đức Xu, Giám đốc HTX Hòa Phước cho rằng, đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Theo ông, mô hình kinh tế HTX sẽ hữu ích nếu đời sống bà con xã viên được bảo đảm, có tiếng nói chung.
Trong nhiều năm, đội ngũ lãnh đạo HTX luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt những cơ hội dù nhỏ, làm tốt công tác khuyến nông, dự báo tình hình thời tiết, sâu bệnh giúp người dân có biện pháp bảo vệ cây trồng. Cùng nhau sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, sự đồng thuận đến từ khâu làm đất, chọn giống, xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Có thể nói, giữa một tập thể lớn như HTX, khi quyền lợi của người này là mắt xích quan trọng của người kia, thì sự đoàn kết luôn được đặt lên hàng đầu.
Liên minh HTX Đà Nẵng luôn đồng hành với bà con nông dân qua các chương trình, chính sách hỗ trợ, như xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Bà Phan Võ Hạnh Thủy cho biết, Liên minh HTX sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị khép kín, tạo sức mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo bà Thủy, từ năm 2018, Liên minh HTX đã ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. “Việc liên kết giữa các HTX sẽ tạo được cầu nối hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị thương phẩm, khắc phục tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá”, bà Thủy nói.
TIỂU YẾN