Tập tản văn Mưa miền đất mặn (NXB Kim Ðồng) của tác giả Nguyễn Chí Ngoan vừa được ra mắt là những câu chuyện bình dị về những đứa trẻ lớn lên mạnh mẽ; về những điều thân thương xưa cũ đã mất đi và về những mong đợi giản dị cho ngày mai.
Tập tản văn Mưa miền đất mặn (NXB Kim Ðồng)
Theo Nguyễn Chí Ngoan, “đất mặn là vùng đất của những cánh đồng bạt ngàn nuôi sống bao thế hệ. Ở nơi ấy, người nông dân bầu bạn với ruộng vườn, ngóng đợi từng cơn mưa mát lành. Ðể khi mùa mưa về, người người vui mừng bơm nước ngọt vào đồng, kê lu hứng nước dưới mái lá hiên nhà. Những đứa trẻ lại hò nhau tắm mát. Người già đưa một câu vọng cổ. Những người mẹ, người chị lấy cơm nguội ra chiên, trong khi cánh đàn ông lại bàn nhau về chuyện cày đất cấy giống”.Khung cảnh đồng quê và những mảng ký ức ấy như chiếc xuồng ba lá chở đầy nỗi suy tư của người cầm bút. Hiện lên rõ nhất trong những trang văn của Nguyễn Chí Ngoan – thầy giáo tiểu học tại tỉnh Kiên Giang, là khung cảnh đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa thành thị và thôn quê. Trong những trang viết của anh, người dân thôn quê đầy hào sảng, chân chất.
Bởi lẽ, “từ lúc lọt lòng, lũ trẻ ở Nước Mặn đã được dạy cách sống ngọt ngào, mặc kệ đất mặn khô cằn. Và hình như dù mùi mặn có thấm vào từng chân răng kẽ tóc, chúng tôi vẫn sống chan hòa với đất với người, như chính miền đất mặn vẫn thầm lặng nuôi lớn những khát khao”.
Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì (NXB Kim Đồng)
Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì (NXB Kim Đồng) là những ghi chép của blogger du lịch Hoài Sa về cuộc sống, con người ở Hoàng Su Phì – vùng đất có ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Sách gồm 17 bài viết về con người, văn hóa, nghề, phong tục, lễ hội ở Hoàng Su Phì.
Tác giả tái hiện vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên của huyện biên giới miền tây Hà Giang. Đó là những thửa ruộng bậc thang trong mùa lúa chín bung sắc vàng, là những con dốc dựng đứng, là những cung đường đá xóc nảy bên miệng vực… Đó là văn hóa gắn với cây lúa, như lễ Cơm mới của các dân tộc Nùng, Dao, Mông; chuyện làm bánh giầy trước 30 Tết của những người địa phương coi lúa cũng như “vạn vật hữu linh”; nghề chạm bạc ở Pờ Ly Ngài của người Nùng; nghề làm giấy rơm của người Dao Đỏ… Con người Hoàng Su Phì qua góc nhìn của Hoài Sa là những người con luôn mang niềm tự hào về quê hương mình.